Hội thảo “Công nghệ BIM và những giải pháp mới nhất từ Autodesk. Thách thức từ thực tiễn trong điều phối thiết kế”
- 23/11/2022
- Hội thảo
- Nhật Minh
“Công nghệ BIM và những giải pháp mới nhất từ Autodesk. Thách thức từ thực tiễn trong điều phối thiết kế” là chủ đề hội thảo do Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam và Công ty Autodesk phối hợp tổ chức ngày 20 tháng 5 năm 2022 theo hình thức trực tuyến, với trên 250 Kỹ sư, Kiến trúc sư tham dự.
Tại hội thảo, Kỹ sư Lê Hiếu Hồng Phúc, chuyên gia kỹ thuật số của Autodesk đã nhấn mạnh định hướng công nghệ của Autodesk giúp các công ty – nhóm dự án đáp ứng nhu cầu về công trình và cơ sở hạ tầng đang mở rộng nhanh chóng, đồng thời giúp thiết kế và xây dựng trở nên dễ dự đoán, an toàn và bền vững hơn trong xu thế chuyển đổi số ngành xây dựng trên toàn cầu. Các sản phẩm phần mềm thiết kế dành cho kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng được đại diện Autodesk giới thiệu mang lại những lợi ích như tăng tốc độ bàn giao sản phẩm, dự án và giảm thiểu chi phí; bao gồm:
Công cụ mô hình BIM toàn diện cho thiết kế công trình, hạ tầng và thi công trong một giải pháp duy nhất:
- Revit – Phần mềm nền tảng BIM cho quản lý, thiết kế, thi công dự án xây dựng.
- Civil 3D – Thiết kế và lập hồ sơ thi công công trình hạ tầng.
- InfraWorks – Nền tảng BIM kết hợp hệ thống địa lý và kỹ thuật phục vụ quy hoạch, thiết kế và phân tích.
- Advance Steel – Phần mềm mô hình 3D trong triển khai chi tiết kết cấu thép.
- Fabrication CADmep – Phần mềm mô hình 3D trong triển khai chi tiết cấu kiện và hệ thống MEP.
- FormIt Pro – Ứng dụng phác thảo trực quan 3D với khả năng tương thích tối đa với Revit
Các công cụ Trực quan hóa, Mô phỏng và Phối hợp để mở rộng và tối ưu hóa quy trình làm việc với mô hình BIM:
- 3ds Max – Tạo ra các bản dựng và hình ảnh 3D chất lượng chuyên nghiệp để hình dung cụ thể thiết kế.
- Navisworks Manage – Kiểm tra va chạm xung đột mô hình, mô phỏng thi công và tổng hợp khối lượng.
- Robot Structural Analysis Professional – Công cụ phân tích kết cấu tích hợp BIM nâng cao.
- Dynamo Studio – Môi trường lập trình bằng hình ảnh cho thiết kế và tự động hóa bằng máy tính.
- Insight – Phần mềm phân tích hiệu suất công trình, tích hợp với FormIt và Revit.
- ReCap Pro – Số hóa thực tế lý tính hiện hữu để tạo ra mô hình điểm ảnh cho các thiết kế mới.
- Structural Bridge Design – Phần mềm phân tích thiết kế cầu mạnh mẽ và hiệu quả.
- Vehicle Tracking – Phần mềm phân tích đường di chuyển của phương tiện.
- Autodesk Rendering – Tạo ra các hình ảnh nhanh chóng với độ phân giải cao lưu trữ trên đám mây
AutoCAD – Phần mềm 2D&3D CAD phổ biến nhất thế giới; và Autodesk Docs – Môi trường dữ liệu chung CDE trên nền tảng điện toán đám mây để quản lý dữ liệu, kiểm soát phiên bản tài liệu.
Từ thực tiễn, KTS Đào Minh Đức, Phó giám đốc Văn phòng Kiến trúc 3 – VNCC đã mang đến hội thảo các vấn đề về quy trình điều phối thiết kế ứng dụng BIM; Ứng dụng BIM trong công tác điều phối thiết kế và những thách thức trong quá trình điều phối thiết kế thông qua một số dự án triển khai cụ thể. Theo KTS Đào Minh Đức, những lợi ích to lớn của việc ứng dụng BIM trong điều phối thiết kế có thể kể đến:
- Tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa, tự động hóa công việc điều phối thiết kế;
- Hạn chế các sai sót trong điều phối, tạo hiệu quả lớn cho dự án;
- Nâng cao hiệu suất công tác phối hợp giữa các bên.
Nhưng những thách thức trong thực tiễn được tác giả nêu ra là:
- Trùng lặp giữa các đối tượng các bộ môn trong phân chia phạm vi công việc modelling BIM;
- Chi phí thực hiện cao hơn do đầu tư vào CDE, phần mềm, công cụ;
- Thách thức về nhân sự điều phối BIM, điều phối thiết kế có kinh nghiệm;
- Cần trao đổi liên tục giữa các bên để đạt hiệu quả.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Thị Duyên đã chia sẻ các thông tin, lưu ý của FIDIC đối với hợp đồng xây dựng khi dự án có áp dụng BIM. Theo đó, BIM là một cơ chế cung cấp, một môi trường mà tất cả các Bên đều có quyền truy cập các thông tin liên quan đến vai trò của họ trong thiết kế và xây dựng dự án; Họ có thể chia sẻ, thậm chí là các nhà thiết kế khác nhau trong dự án đã sử dụng các chương trình phần mềm thiết kế khác nhau để triển khai thiết kế tương ứng của họ và bản vẽ và chỉ dẫn kỹ thuật được tổ chức thành cơ sở dữ liệu chung để mọi người cùng truy cập nhằm phát hiện các xung đột, phối hợp thiết kế, thông báo các thay đổi, sắp xếp thứ tự xây dựng và đòi hỏi các nhà thiết kế cần am hiểu và làm việc với các cấp độ thiết kế (LOD). Đối với BIM cấp độ cao: do thông tin hoàn toàn mở, được chia sẻ nhiệm vụ quản lý mô hình kết hợp nên cần được giao cho một cá nhân đạt chuẩn, tách với vai trò của người quản lý dự án để đảm bảo việc phân định rõ ràng trách nhiệm trong dự án; Việc quản lý các thành phần BIM của dự án cũng có thể có rủi ro nằm ngoài phạm vi bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; Năng lực và trách nhiệm của vị trí này cần được hiểu và nên bao gồm kinh nghiệm trong việc sao lưu và tính toàn vẹn của dữ liệu, tính liên tục của kế hoạch. Những rủi ro xác định khi làm việc trong môi trường BIM phát sinh từ những đặc điểm chính:
- Hiểu sai về phạm vi công việc;
- sử dụng dữ liệu cho mục đích không phù hợp và dựa vào nguồn dữ liệu không phù hợp
- An ninh mạng và trách nhiệm “nắm bắt” các mô hình dữ liệu;
- Định nghĩa về sản phẩm giao nộp, phê duyệt và chuyển giao
Do đó, một số vấn đề cần được các bên tham gia hợp đồng giải quyết để tránh rủi ro theo lưu ý của FIDIC được dẫn chiếu tại hội thảo.
Sau hội thảo, các Kiến trúc sư hành nghề tham dự đầy đủ chương trình sẽ nhận Chứng chỉ tham gia hoạt động Phát triển nghề nghiệp liên tục lĩnh vực kiến trúc với 1,7 điểm CPD do Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam cấp.